Lừa đảo tuyển dụng tiếp tục nhắm vào người tìm việc thông qua các lời mời việc làm giả mạo
Trong thế giới hiện đại ngày nay, công nghệ đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của chúng ta và mang lại những kết nối chưa từng có. Tuy nhiên, sự tiến bộ cũng là một con dao hai lưỡi vì chúng tạo ra mảnh đất màu mỡ cho những kẻ lừa đảo, biến chúng thành vũ khí phục vụ mục đích xấu.
Khi các nền tảng trực tuyến như website tìm kiếm việc làm trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống, chúng cũng trở thành điểm nóng của những trò lừa đảo. Các nhà nghiên cứu tại Bitdefender cảnh báo rằng tin tặc đang tăng cường nhắm mục tiêu vào người tìm việc với những lời mời việc làm giả mạo trên các nền tảng tuyển dụng như Indeed.
Kẻ lừa đảo sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để lừa đảo mọi người, chẳng hạn như tạo danh sách việc làm giả nhằm mục đích đánh cắp thông tin cá nhân, dữ liệu tài chính hoặc tiền bạc. Lợi dụng nhu cầu tìm việc của những người đang thất nghiệp, kẻ tấn công thường đưa ra những cơ hội việc làm hấp dẫn để đánh lừa nạn nhân, khiến họ dễ dàng bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo.
Lừa đảo tuyển dụng có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cảnh báo mà Bitdefender đã đưa ra để khuyến cáo người tìm việc:
- Lời mời tuyển dụng quá lý tưởng: Trong trường hợp này, những kẻ lừa đảo tuyển dụng sẽ đưa ra lời mời làm việc với mức lương hấp dẫn bất thường trong khi yêu cầu công việc hoặc trình độ chuyên môn lại rất thấp. Chẳng hạn như tin tuyển dụng hứa hẹn mức lương 100$/giờ cho công việc nhập dữ liệu. Những công việc như vậy thường là dấu hiệu lừa đảo.
- Mô tả công việc mơ hồ hoặc quá đơn giản: Những kẻ lừa đảo tuyển dụng hiếm khi cung cấp mô tả công việc chi tiết vì chúng muốn các nạn nhân tiềm năng liên hệ với chúng. Nếu tin tuyển dụng thiếu các thông tin cơ bản như nhiệm vụ công việc, kỳ vọng của nhà tuyển dụng hoặc loại công việc được giao, người tìm việc nên thận trọng.
- Tuyển dụng ngay lập tức mà không phỏng vấn: Những lời mời làm việc được đưa ra ngay lập tức mà không có phỏng vấn chính thức hoặc kiểm tra lý lịch là dấu hiệu cảnh báo. Kẻ lừa đảo thường tạo ra cảm giác cấp bách trong các kịch bản giả mạo của chúng để hạn chế khả năng suy nghĩ và ra quyết định của người tìm việc.
- Yêu cầu thông tin cá nhân hoặc tài chính: Bất kỳ lời mời làm việc nào yêu cầu thông tin tài chính của người tìm việc, chẳng hạn như thông tin tài khoản ngân hàng để “thiết lập chuyển khoản trực tiếp” trước khi gặp nhà tuyển dụng, đều là dấu hiệu đáng ngờ.
- Yêu cầu thanh toán trước: Không có công việc hợp pháp nào yêu cầu ứng viên phải thanh toán phí đào tạo, xử lý hồ sơ hoặc trang thiết bị trước khi bắt đầu làm việc.
Người tìm việc nên cảnh giác với các lời mời tuyển dụng
Ví dụ về các trò lừa đảo tuyển dụng phổ biến
Có rất nhiều loại lừa đảo vì thủ đoạn của kẻ lừa đảo là vô biên; tuy nhiên trong nhiều trường hợp, nhiều kẻ tấn công mạng dựa vào những mánh khóe đơn giản thay vì các âm mưu phức tạp.
Dưới đây sẽ là các chiến thuật phổ biến nhất, tiết lộ cách thức ngay cả những kẻ lừa đảo đơn giản nhất cũng có thể lừa được những người tìm việc không cẩn trọng.
- Lừa đảo Trợ lý ảo: Kẻ lừa đảo đăng tin tuyển dụng trợ lý ảo, yêu cầu thực hiện các tác vụ như xử lý giao dịch hoặc mua vật tư bằng tiền của nhân viên và hứa sẽ hoàn trả. Như đã đề cập, không có công việc hợp pháp nào yêu cầu ứng viên phải trả tiền túi. Nếu có, thì đó rất có thể là một trò lừa đảo.
- Đóng gói/Vận chuyển lại hàng hóa: Những vị trí này thường liên quan đến việc nhận gói hàng tại nhà và vận chuyển đến các địa chỉ nước ngoài. Đây thường là vỏ bọc để di chuyển hàng hóa bị đánh cắp hoặc bất hợp pháp.
- Lừa đảo nhập dữ liệu: Trong trường hợp này, kẻ lừa đảo đăng tuyển việc nhập dữ liệu yêu cầu mua trước phần mềm hoặc tài liệu đào tạo. Người tìm việc nên tránh xa khỏi những tin tuyển dụng như vậy, trừ khi họ là freelancer (thường cần tự mang tài nguyên của mình vào dự án).
KnowBe4 giúp nâng cao khả năng đưa ra các quyết định an ninh thông minh cho nhân viên của bạn mỗi ngày. Hơn 65,000 tổ chức trên toàn thế giới tin tưởng sử dụng nền tảng KnowBe4 để củng cố văn hóa an ninh và giảm thiểu rủi ro từ con người.
Cách nhận diện dấu hiệu đáng ngờ
Khi tìm hiểu sâu hơn về cơ chế của lừa đảo tuyển dụng, việc học cách phát hiện các dấu hiệu cảnh báo trở thành điều cốt yếu.
Từ các lời mời việc làm quá hoàn hảo đến yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân ngay từ đầu, những dấu hiệu đáng ngờ này là những điểm đánh dấu quan trọng giúp bạn định hướng đến việc tìm kiếm việc làm an toàn hơn. Người tìm việc có thể nhận diện dấu hiệu đáng ngờ thông qua một số điểm như sau:
- Thông tin liên hệ nhà tuyển dụng: Các tin tuyển dụng hợp pháp bao gồm chi tiết xác minh được về công ty. Kẻ lừa đảo thường tạo danh sách chỉ với email hoặc số điện thoại, đánh lừa người dùng nhẹ dạ liên lạc với chúng.
- Trang web và tên miền email của công ty: Kiểm tra xem địa chỉ email của nhà tuyển dụng có khớp với tên miền của họ không. Ví dụ, email từ một công ty uy tín sẽ đến từ địa chỉ email khớp với tên miền của công ty (ví dụ: [email protected]).
- Đánh giá và hiện diện trực tuyến: Tìm kiếm các bài đánh giá hoặc tin tức về công ty. Việc thiếu sự hiện diện trực tuyến hoặc các đánh giá tiêu cực có thể là một dấu hiệu cảnh báo. Sử dụng các trang web uy tín như Trustpilot hoặc BBB để kiểm tra đánh giá.
Đọc thêm: Spear Phishing – Chiến thuật lừa đảo trực tuyến qua email
Tìm hiểu thêm về Trustpilot: Trustpilot
Các bước xác minh trước khi nộp đơn ứng tuyển
Trước khi nộp đơn xin việc, hãy thực hiện một số thao tác kiểm tra để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo hoặc rơi vào tình huống khó chịu khác. Kiểm tra lý lịch không chỉ dành cho nhà tuyển dụng khi xem xét các ứng viên tiềm năng. Việc kiểm tra kỹ lưỡng các tin tuyển dụng và nhà tuyển dụng có thể giúp bạn đảm bảo con đường bạn chọn là an toàn và đầy hứa hẹn.
- Nghiên cứu về công ty: Tra cứu tên công ty trực tuyến để kiểm tra các dấu hiệu đáng ngờ. Ghép tên công ty với các từ khóa như “đánh giá”, “lừa đảo” hoặc “khiếu nại” để có kết quả chính xác hơn, giúp tiết lộ bản chất thực sự của công ty.
- Liên hệ trực tiếp với công ty: Nếu nghi ngờ, người tìm việc nên tự tay tìm kiếm thông tin liên lạc chính thức của công ty (ví dụ: sử dụng công cụ tìm kiếm) và liên hệ để xác nhận xem bài đăng tuyển dụng có hợp pháp không.
- Kiểm tra với các chuyên gia trong ngành: Việc giao lưu với các nhân viên hoặc nhà tuyển dụng khác trong lĩnh vực này có thể cung cấp cho người tìm việc cái nhìn sâu sắc hữu ích về tính hợp pháp của một lời mời việc làm.
Làm gì khi gặp phải lừa đảo tuyển dụng
Phát hiện ra một trò lừa đảo trên quá trình đi tìm kiếm công việc có thể khiến ứng viên nản lòng. Tuy nhiên nếu biết cách xử lý, họ có thể lấy lại sự chủ động và tiếp tục tìm kiếm công việc an toàn hơn.
Dưới đây là các bước cần thực hiện để thoát ra an toàn và giúp người khác tránh khỏi những cái bẫy tương tự.
- Báo cáo với nền tảng: Sử dụng tính năng báo cáo của nền tảng để cảnh báo về một danh sách đáng ngờ. Điều này cũng áp dụng cho trường hợp không may bạn đã trở thành nạn nhân của một trò lừa đảo.
- Ngừng mọi liên lạc: Nếu nghi ngờ lừa đảo, hãy ngừng mọi liên lạc với người đó, đặc biệt là trước khi chia sẻ thông tin cá nhân hoặc tài chính.
- Báo cáo với chính quyền: Cân nhắc báo cáo lừa đảo cho Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), Tổ chức Kinh doanh đáng tin cậy (BBB) hoặc các cơ quan địa phương. Bằng cách làm như vậy, bạn đã bảo vệ bản thân và giúp xác định, ngăn chặn gian lận để tạo ra một môi trường an toàn hơn cho mọi người.
Bảo vệ bản thân trong tương lai
Người tìm việc nên trang bị cho bản thân một số hiểu biết để củng cố khả năng phòng thủ của mình trước các trò lừa đảo trên nền tảng tìm việc. Học cách bảo vệ thông tin cá nhân và duy trì sự cảnh giác trong quá trình tìm kiếm việc làm hợp pháp là điều cần thiết. Dưới đây là một số phương pháp mà các ứng viên tìm việc có thể tham khảo để bảo vệ bản thân:
- Bảo mật thông tin cá nhân: Không chia sẻ thông tin cá nhân như mã Căn cước Công dân hoặc chi tiết tài khoản ngân hàng với nhà tuyển dụng cho đến khi bạn chắc chắn rằng công việc là hợp pháp.
- Sử dụng phương thức liên lạc an toàn: Các lời mời tuyển dụng luôn cần được thảo luận thông qua các phương thức liên lạc an toàn và có thể truy tìm được.
- Tự trang bị kiến thức về lừa đảo: Truy cập các trang web uy tín và tham dự các hội thảo về an ninh mạng để cập nhật thông tin về các loại lừa đảo tuyển dụng và các dấu hiệu cảnh báo của chúng.
- Sử dụng công cụ phát hiện lừa đảo: Người tìm việc có thể sử dụng các giải pháp chuyên biệt như Scamio của Bitdefender để tăng cường khả năng đề phòng trước các vụ lừa đảo việc làm và các hình thức lừa đảo khác, cả trực tuyến và ngoại tuyến. Các dịch vụ phát hiện lừa đảo này được hỗ trợ bởi AI. Chúng sẽ kiểm tra kỹ lưỡng các hình thức giao tiếp khác nhau như email, tin nhắn, hình ảnh và mã QR để xác minh tính xác thực.
Đọc thêm: Những thiết bị công nghệ kết nối rủi ro nhất năm 2024 – IT, IoT, OT, IoMT
Kết luận
Mặc dù các nền tảng tìm việc online thường nỗ lực duy trì một môi trường an toàn, kẻ lừa đảo đôi khi vẫn có thể xâm nhập. Sự cảnh giác và hiểu biết về cách thức hoạt động của kẻ lừa đảo là hai trong số những biện pháp phòng thủ tốt nhất để người tìm việc chống lại các kế hoạch gian lận. Bằng cách nhận biết các dấu hiệu của một trò lừa đảo và biết cách phản ứng, người tìm việc có thể bảo vệ bản thân và những người khác trong mạng lưới của mình.
Để được tư vấn thêm thông tin về các sản phẩm của hãng bảo mật KnowBe4, hãy liên hệ ngay với nhà phân phối Mi2 JSC theo thông tin:
Công ty Cổ phần Tin học Mi Mi (Mi2 JSC)
🌎 Website: www.mi2.com.vn
📩 Email: [email protected]
Văn Phòng Hà Nội
- Add: 7th Floor, Sannam Building, 78 Duy Tan Str., Dich Vong Hau Ward, Cau Giay Dist., Hanoi, Vietnam.
- Tel: +84-24-3938 0390 | Fax: +84-24-3775 9550
Văn phòng Hồ Chí Minh
-
- Add: 5th &6th Floor, Nam Viet Building, 307D Nguyen Van Troi Str., Ward 1, Tan Binh Dist., Ho Chi Minh City, Vietnam
- Tel: +84-28-3845 1542 | Fax: +84-28-3844 6448